Tổng thống Nga Putin phát biểu dưới tuyết tại lễ chào cờ trong buổi hạ thủy hai tàu ngầm hạt nhân tháng 12-2023 - Ảnh: AFP
Ngày 27-6, Hãng tin TASS dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hải quân nước này đang tiếp nhận ngày càng nhiều tàu và tàu chiến mỗi năm.
Theo đó, lực lượng này được cung cấp 24 tàu mới năm 2022, 33 tàu năm 2023. Dự kiến 40 tàu sẽ được bàn giao vào năm 2024.
Ngăn tấn công từ xaÔng Putin nhấn mạnh hải quân Nga cần được trang bị thêm hỏa lực, đồng thời bản thân lực lượng này phải được bảo vệ một cách đáng tin cậy khỏi các cuộc tấn công ở khoảng cách xa trong bối cảnh đe dọa địa chính trị ngày nay.
Một trong những mục tiêu của Nga là "nâng cấp toàn diện hải quân, bao gồm tàu, máy bay và các bộ phận ven biển, cũng như cơ sở hạ tầng của các căn cứ, củng cố vị thế trong các khu vực chiến lược quan trọng trên đại dương thế giới và để cải thiện đáng kể tiềm năng chiến đấu".
Để ngăn được tấn công từ xa, Nga cần phát triển thêm máy bay trinh sát, xây dựng lực lượng và phương tiện tiến hành trinh sát điện tử và tác chiến điện tử.
Ngoài ra, ông Putin cũng cho biết hạm đội hải quân Nga, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân, đã gần như hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.
Ông Putin cho biết chi phí đóng tàu hải quân sẽ thấp hơn đáng kể trong tương lai. "Khi phát triển các thiết kế tàu mới, chúng tôi phải tiến hành trước công việc phát triển và thiết kế, thiết bị, phần cứng và hệ thống vũ khí. Hơn nữa, trong khuôn khổ các chương trình mục tiêu tích hợp giữa các cơ quan, điều này sẽ giảm đáng kể khung thời gian thiết kế và đóng các tàu chính, tôi nghĩ điều này cũng sẽ giúp chi phí thấp hơn nhiều", ông nói.
Thời gian qua, Ukraine đã tăng cường tấn công bán đảo Crimea, sáp nhập vào Nga năm 2014 và là nơi đặt Hạm đội Biển Đen của Matxcơva. Mới đây, lãnh đạo cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov nói rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đã phá hủy nhiều tàu của Nga tại khu vực này. "Từ lâu đã không còn tàu chiến nào của Nga ở Biển Đen", ông Budanov nói.
Các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga tại thành phố cảng Novorossiysk - Ảnh: AFP NATO nói Nga không đủ sức tạo đột phá ở Ukraine
Cũng trong ngày 27-6, lãnh đạo NATO nói Nga không đủ sức để tạo ra đột phá lớn ở Ukraine và lực lượng Kiev đang gây tổn thất lớn cho Matxcơva
"Họ tiếp tục phát động một cuộc tấn công vào mùa xuân và mùa hè này nhưng cho đến nay chỉ đạt được những thành tựu nho nhỏ. Và chúng tôi không có bất kỳ dấu hiệu hay lý do nào khác để tin rằng Nga có khả năng, sức mạnh để tạo ra những bước đột phá lớn", Hãng tin AFP dẫn lời lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg nhận định.
Ông Stoltenberg cho rằng Nga rất có thể sẽ tiếp tục vừa chiến đấu trên tiền tuyến vừa thực hiện các cuộc không kích.
"Nhưng những gì chúng tôi thấy là Ukraine đã có thể giữ vững phòng tuyến. Họ đã có thể tiếp tục gây tổn thất nặng nề cho lực lượng Nga, cả dọc theo tiền tuyến cũng như bằng các cuộc tấn công sâu".
NATO, dẫn đầu là Mỹ, đã thúc đẩy việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Mới nhất, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine sử dụng 5 tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp, trong đó 4 tên lửa đã bị đánh chặn, tấn công Sevastopol trưa 23-6 giờ địa phương. Vụ việc làm 4 người thiệt mạng và hơn 120 người bị thương.